Độ tuổi phù hợp để con học ngôn ngữ thứ hai

 Độ tuổi phù hợp để con học ngôn ngữ thứ hai


Rất nhiều cha mẹ đặt câu hỏi câu “độ tuổi nào là phù hợp để con học ngôn ngữ mới? ”. Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt hai khái niệm là trẻ song ngữ và trẻ học ngôn ngữ thứ hai.



Trẻ song ngữ là trẻ có bố hoặc mẹ là người nước ngoài và người còn lại là người Việt. Những trẻ song ngữ được tiếp xúc với cả hai ngôn ngữ cùng lúc ngay từ lúc mới chào đời. Những trẻ này rất thoải mái khi sử dụng cả hai ngôn ngữ song song nhau trong giao tiếp hằng ngày.

Đa số trẻ ở Việt Nam là trường hợp thứ hai, là những đứa trẻ học ngôn ngữ.

Vấn đề độ tuổi phù hợp cho con học ngôn ngữ thứ hai vẫn còn là một đề tài đang được tranh cãi. Nhưng chủ yếu sẽ có hai độ tuổi phù hợp:

+ Độ tuổi thứ nhất: Bố mẹ có thể cân nhắc đó là mình có thể cho các con học tiếng Anh khi khoảng 6 - 7 tuổi vì lúc này các con đã phần nào đó sử dụng được ngôn ngữ mẹ đẻ rồi, đây là lúc khá thích hợp để con tiếp nhận thêm một ngôn ngữ nữa.

Đặc biệt là khi bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai ở độ tuổi này thì tỷ lệ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thấp hơn. Nhưng đương nhiên để con có được giọng bản ngữ khi bắt đầu học ở độ tuổi này đòi hỏi nhiều thời gian và rèn luyện hơn.

+ Độ tuổi thứ hai: Phụ huynh cho con làm quen ngôn ngữ thứ hai ở khoảng 2 - 4 tuổi. Học ở đây không có nghĩa là phải gửi con đến trường, đến trung tâm mà là cho các con tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai càng sớm càng tốt, có thể qua phim ảnh, truyện audio, bài hát….

Ở giai đoạn này có nhiều lợi ích với trẻ hơn. Trẻ ở giai đoạn mầm non tiếp thu ngôn ngữ rất nhanh vì trẻ như một trang giấy trắng, và là vì trẻ chưa nói được nhiều nên hầu hết thời gian sẽ dành cho việc nghe.

Trong quá trình học, trẻ nghe nhiều sẽ giúp hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên hơn, trẻ sẽ có thể cảm nhận được ngôn ngữ đó về ngữ điệu và ngữ nghĩa, sau đó tiếp thu, xử lý thông tin và nói được ngôn ngữ thứ hai giống như cách mà trẻ nói được tiếng mẹ đẻ mà không cần đi học trường lớp nào hết vậy.

Lợi ích của việc cho con học tiếng Anh từ nhỏ

Ở độ tuổi mầm non, trẻ có thể sử dụng khả năng hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên nếu trẻ được tạo điều kiện tiếp xúc đủ nhiều.

Trẻ nhỏ có nhiều thời gian để học thông qua các hoạt động vừa học vừa chơi. Các con có thể học bằng cách chơi cùng ba hoặc mẹ. Đầu tiên con sẽ đoán được cách chơi rồi dần dần sẽ hiểu được ý nghĩa của trò chơi đó.

Ở độ tuổi mẫu giáo, việc học trên trường thường không bắt buộc gò bó và não bộ của trẻ lúc này cũng chưa bị choáng ngợp bởi việc lưu trữ và xử lí các thông tin. Các con hầu như có rất ít bài tập về nhà về ít bị áp lực bởi các mục tiêu, kế hoạch như trẻ lớn.

Những đứa trẻ có cơ hội được học ngôn ngữ thứ hai từ khi còn nhỏ thường sử dụng khả năng tự học bẩm sinh để thụ đắc ngôn ngữ đó và trẻ có thể tiếp tục sử dụng khả năng này xuyên suốt những năm sau này.

Trẻ nhỏ học ngôn ngữ bằng cách hấp thụ chúng một cách tự nhiên chứ không học ngôn ngữ một cách có ý thức như người lớn. Vì vậy, các con sẽ có phát âm chuẩn hơn và có khả năng cảm thụ được ngôn ngữ và văn hóa của đất nước đó.

Khi những đứa trẻ đơn ngữ (chỉ biết một ngôn ngữ) đạt đến tuổi dậy thì và bắt đầu có thể tự nhận thức được, khả năng tiếp thu ngôn ngữ của trẻ bị giảm đi rất nhiều và trẻ phải liên tục học tiếng Anh một cách có ý thức bằng các chương trình nặng tính ngữ pháp.

Sự thay đổi trong khả năng học ngôn ngữ này thay đổi tùy thuộc vào mức độ phát triển của trẻ và sự kì vọng của mọi người xung quanh. Vậy nên cha mẹ nên cho con tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai từ sớm.
Trẻ bắt đầu học tiếng anh qua 3 giai đoạn. (Ảnh: Nguồn Internet)


Trẻ tiếp thu ngôn ngữ qua ba giai đoạn

Trong suốt quá trình tiếp xúc với các con, nghiên cứu tài liệu phương pháp và giảng dạy thì sẽ thấy được trẻ có ba giai đoạn chính trong quá trình hấp thụ ngôn ngữ.

+ Giai đoạn im lặng

Ví dụ như: Khi trẻ mới sinh ra, bé cần có một khoảng thời gian im lặng 1 - 2 năm rồi bỗng một ngày nói được từ “mẹ” hoặc “bố”.

Đó là do 1 - 2 năm đó mọi người đã tạo cơ hội cho bé nghe rất nhiều lần từ “mẹ” và kèm theo các ngôn ngữ hình thể như chỉ tay vào người mình, rồi từ “mẹ” liên tục được lặp đi lặp lại trong những tình huống khác nhau như “mẹ đây con” “để mẹ thay đồ cho con nhé” “cho mẹ chơi với”…

Và khi bé tiếp xúc với từ đó nhiều như vậy đến một thời điểm thích hợp, trẻ sẽ bắt đầu nói được.

Trẻ học tiếng Anh cũng tương tự vậy, giai đoạn đầu tiên sẽ là giai đoạn im lặng. Giai đoạn này trẻ đang lắng nghe, quan sát và tiếp nhận mọi thông tin về ngôn ngữ này.

Ở giai đoạn này, bố mẹ không nên bắt ép con lặp lại từ kiểu “nói đi con” “đọc theo mẹ này”. Thời điểm này khi học tiếng Anh, mọi thứ nên được diễn ra một chiều, bố mẹ sẽ là người nói còn con sẽ là người nghe.

Nếu cha mẹ không tự tin về khả năng tiếng Anh của mình thì có thể mở truyện, bài hát, phim cho con, tạo điều kiện tốt nhất để con được học nhiều nhất, nghe và nhìn thấy tiếng Anh nhiều nhất để các con có thể chắt lọc được ngôn ngữ từ từ, chậm rãi mà hiệu quả nhất.

+ Giai đoạn bắt đầu nói.

Sau một khoảng thời gian, tùy vào thời gian tiếp xúc với tiếng Anh, trẻ sẽ bắt đầu nói những từ đơn lẻ "cat, house" và sẵn sàng nói những cụm ngắn như “What’s that?”, “It’s my book”, “I can’t”, “That’s a car”, “Time to go home”... khi đang trò chuyện hoặc trong những tình huống bất ngờ.

Trẻ ghi nhớ từ, bắt chước phát âm của từ một cách chính xác mà không nhận ra là từ đó có chứa nhiều hơn một chữ. Trong suốt giai đoạn này, trẻ sẽ chắt lọc từ vựng mà mẫu câu mà trẻ nghe được để dùng trước khi có thể nói bằng những cụm từ của riêng mình.

Ở giai đoạn này, rất nhiều bố mẹ muốn con nói tiếng Anh nhưng lại hỏi con bằng tiếng Việt: “Này là màu gì đây con”; “Con chào cô bằng tiếng Anh đi”; “Con nói tiếng Anh với thầy đi”…

Để con có thể tự tin, thoải mái nói được ở giai đoạn này cần có môi trường phù hợp, nơi mọi người đều sử dụng tiếng Anh để trẻ hòa mình vào.

Nếu bố mẹ muốn trò chuyện tiếng Anh cùng con, bố mẹ có thể học một số câu hỏi đơn giản như: “What’s this?”; “What’s that?”; “Are you hungry?”; “What’s color is it?”. Những câu này rất đơn giản mà người lớn nào cũng có thể học được để khuyến khích con sử dụng tiếng Anh nhiều hơn không chỉ ở trên lớp mà còn là ở nhà.

Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn tăng vốn từ vựng. Dần dần, trẻ sẽ mở rộng những cụm từ mà trẻ đã nhớ bằng cách thêm các từ trong vốn từ vựng của mình như “a dog”, “a brown dog”, “a brown and black dog” hoặc mở rộng những điểm ngữ pháp mà trẻ đã học như: “That’s my chair”, “Time to play”.

Tùy vào tần suất tiếp xúc với tiếng Anh và chất lượng của mỗi lần trải nghiệm với tiếng Anh, trẻ sẽ dần dần có thể nói được thành những câu trọn vẹn.

Ở giai đoạn này, một lần nữa, khi bố mẹ muốn khuyến khích con nói tiếng Anh, hãy hỏi con bằng tiếng Anh, và giúp con mở rộng, kéo dài câu trả lời bằng những từ con đã được học.

Ví dụ như khi mẹ hỏi “What’s that”, con trả lời “It’s a tree”, thì mẹ có thể nỏi “Yeah, it’s a tall tree”...




Nhưng có điều quan trọng mà cha mẹ phải luôn khắc ghi đó là mỗi đứa trẻ có một khả năng học ngôn ngữ riêng, cần những khoảng thời gian ngắn dài khác nhau để hiểu và nói được, vậy nên cha mẹ hãy kiên nhẫn với con nhé.

Đăng nhận xét

Tin liên quan